Thân thế Trần_Điền_(nghị_sĩ)

Tổ tiên của ông vốn là người tỉnh Phúc Kiến di cư sang Việt Nam vào thời Mãn Thanh chiếm Trung Quốc và đến lập nghiệp tại Hương Trà tỉnh Thừa Thiên.

Đời tổ thứ sáu có ông Trần Bá Lượng thi đỗ cử nhân năm 1820 đời Minh Mạng và được bổ nhiệm làm tri phủ Tân Bình (Gia Định).

Đời tổ thứ bảy có ông Trần Tiễn Thành (con trưởng của ông Trần Bá Lượng) thi đỗ tiến sĩ năm 1838 dưới thời Minh Mạng, làm đến chức Thượng thư, Cơ mật Viện Đại thần, Phụ chính Đại thần. Sau khi vua Tự Đức mất, lúc bấy giờ ông đã ngoài 70 tuổi, từ chức về nhà nhưng hai ông Nguyễn Văn TườngTôn Thất Thuyết vẫn sai người mang bản thảo đề nghị truất phế vua Hiệp Hòa đến xin ông ký vào "đồng ý" nhưng ông từ chối. Trưa ngày 30 tháng 10 Quý Mùi (tức 29 tháng 11 năm 1883), hai ông Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết ép vua Hiệp Hòa phải uống thuốc độc chết và sau đó sai bộ hạ đến nhà ám sát ông Trần Tiễn Thành ngày 1 tháng 11 Quý Mùi (tức ngày 30 tháng 11 năm 1883).

Sau khi ông Trần Tiễn Thành bị mưu sát, con cháu bỏ quê, trốn tránh đi xa, bỏ chữ lót "Tiễn", chỉ lấy họ Trần. Đời thứ 8 là ông Trần Dương sinh ra ông Trần Chánh (đời thứ 9) là cha của ông Trần Điền (đời thứ 10).